Cư xử trên metro

15/01/2025
|
0 lượt xem
Góc Nhìn Văn Hóa & Lối Sống
Cư xử trên metro

Tôi từng sống hơn sáu năm tại các nước đã có hệ thống tàu điện từ lâu. Hồi ở Nhật, nhà tôi nằm ngay cạnh ga nên tôi đã quen với tiếng tàu điện cũng như tiếng hướng dẫn hành khách được phát tự động mỗi khi tàu chuẩn bị đến hoặc rời đi. Những âm thanh quen thuộc đó trở thành một trong những điều khiến tôi nhớ da diết về Nhật Bản khi đến một đất nước khác sinh sống.

Lần đầu đứng trong toa tàu Suối Tiên - Bến Thành, tôi thật sự xúc động với những ký ức đẹp trở về. Từ cách thiết kế nhà ga, nội thất tàu, âm thanh khi tàu lướt đi trong gió, cho đến những hình ảnh trên cao khi đoàn tàu ngang qua thang bộ thoát hiểm của những tòa nhà cao tầng... mọi thứ hiện lên trong tâm trí tôi rõ mồn một, tôi như thấy mình vẫn đang trong một chuyến tàu ở Nhật.

Người dân TP HCM giờ đây được tiếp cận một phương tiện công cộng hiện đại và tiện lợi sau nhiều năm chờ đợi. Hình ảnh của một thành phố năng động, hiện đại vì thế cũng được nâng tầm.

Hiện tàu vẫn đang trong quá trình chạy miễn phí với nhiều nhân viên hướng dẫn người dân cách ra vào ga và lên xuống tàu. Tuy nhiên, tôi nghĩ các vấn đề sau cũng cần được hướng dẫn.

Đầu tiên là cách xếp hàng. Có thể nhiều người sẽ phản hồi ngay lập tức rằng hành khách vẫn đang được hướng dẫn xếp hàng đấy chứ. Nhưng thật ra, họ chưa được hướng dẫn đúng cách, ít nhất là theo cách ban đầu chúng ta muốn xây dựng và vận hành hệ thống này.

Trước cửa lên của mỗi toa tàu có ba mũi tên, một mũi tên dẫn lối cho người từ tàu bước xuống ga và mũi tên hai bên hướng dẫn người từ ga bước lên tàu. Theo trình tự, người xuống ga sẽ đi trước rồi mới đến người lên tàu. Các mũi tên này giúp việc lên xuống được thuận tiện và nhanh chóng, tránh tình trạng chen lấn xô đẩy gây nguy hiểm trước đường ray. Tuy nhiên, tôi chưa thấy nhân viên hướng dẫn cho người dân cách xếp hàng và lên xuống như vậy. Việc lên xuống tàu khá bát nháo, không có hàng lối, người lên kẻ xuống đan xen nhau.

Khi đã lên tàu, bên trong toa là không gian công cộng, hành khách phải (hoặc cần được hướng dẫn) giữ trật tự, không trò chuyện lớn tiếng, không ăn và uống (những thứ trong chai hay ly thiếu nắp đậy hoặc có đá lạnh chảy xuống sàn).

Hành khách cũng cần nhận biết ghế ưu tiên và ghế thường, biết nhường chỗ cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người tàn tật. Trong lần hai đi tàu, tôi vẫn thấy nhiều người lớn tuổi phải đứng trước mặt các nam nữ thanh niên đang ngồi lướt điện thoại. Đặc biệt, có hai bạn trẻ ngồi ôm nhau trong khi một bác lớn tuổi đứng ngay trước mặt, run run giữ chặt tay nắm trên cao. Nhường chỗ là tự nguyện, không phải trách nhiệm nhưng suy nghĩ đó chắc chắn không phải là cách hành xử của một cộng đồng văn minh.

Việc nhận biết cửa bên nào sẽ mở khi đến ga (bằng cách nghe hướng dẫn hoặc nhìn vào đèn màu xanh chớp nháy trên bản đồ ngay cửa toa tàu) cũng cần thiết. Nhiều người chưa chịu khó quan sát, dẫn đến cảnh rối loạn, vội vã chen lấn và luồn lách nhau để ra tàu một cách khá thô lỗ.

Là người Việt Nam, tôi hiểu một số điều chưa được văn minh của người Việt ở nơi công cộng. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn nghĩ chúng ta có thể thay đổi để văn hóa công cộng được tốt đẹp hơn. Vì vậy, trong thời gian đang vận hành thử, ngoài việc giới thiệu về loại hình giao thông hiện đại này, cũng cần hướng dẫn cho người dân cách sử dụng phương tiện văn minh hơn.

Ý thức có tính lan truyền, nói theo cách dân dã hơn là "bắt chước". Giống như chúng ta vẫn thắc mắc về một ai đó thân quen rằng, ở trong nước cử xử không lịch thiệp sao sang nước ngoài lại ứng xử văn minh thế. Đó là vì xung quanh, ai cũng làm thế (ví dụ như xếp hàng) mà mình làm khác (chen hàng, vô tư ăn sáng trên tàu) thì sẽ tự thấy bản thân mình không giống ai.

Nếu trên metro Bến Thành - Suối Tiên, phần lớn chúng ta biết xếp hàng đúng cách, và hiểu những điều được và không được làm tại ga hay trong tàu thì tự khắc người khác sẽ nhìn và làm theo. Cách tốt nhất là tranh thủ thời gian miễn phí để tập đi metro. Khi những điều này trở thành thói quen, hết thời gian vận hành thử, mọi thứ sẽ trở thành nề nếp và nhịp nhàng, người người "bắt chước" nhau để trở nên văn minh hơn.

Sau mười bảy năm chờ đợi, người dân đã có một phương tiện công cộng hiện đại, giờ là lúc cần làm sao để cư xử sang hơn trên tàu điện.

Phạm Minh Vương

Tin liên quan
Tin Nổi bật